Lý do Nga không bán cáp hãm đà cho Trung Quốc

Tạp chí "Quốc phòng Trung Quốc và châu Á" cho hay, Trung Quốc muốn mua 4 cáp hãm đà do Nhà máy Proletarsky (Nga) sản xuất. 
Tuy nhiên, dù Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nhiều lần đề cập đến vấn đề này, song câu trả lời nhận được là: "Các hệ thống vũ khí chiến lược bị cấm xuất khẩu sang Trung Quốc gồm: tàu sân bay, tàu ngầm nguyên tử, các công nghệ sản xuất vũ khí hạt nhân".

Theo nguồn tin, Trung Quốc đã mua được móc hãm đà cho máy bay JL-9 của Ukraina thay vì mua của Nga, chính vì lẽ đó, phía Nga chưa quyết định có nên bán thiết bị hạ cánh cho Trung Quốc hay không.

Thế nhưng, truyền thông Trung Quốc cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến việc "cấm xuất khẩu các hệ thống vũ khí chiến lược sang Trung Quốc" bởi Nga không hài lòng khi việc tiêm kích trên hạm Su-33 của nước này bị sao chép".

Cáp hãm đà cho máy bay tiêm kích được lắp đặt trên tàu sân bay.
Tuy không bán cho Trung Quốc nhưng Viện Nghiên cứu Trung ương Chế tạo máy tàu Nga, đơn vị thiết kế cáp hãm đà đã cung cấp 2 hệ thống này cho tàu sân bay của Ấn Độ.

Hiện, trên thế giới chỉ có Nga và Mỹ sản xuất được các thiết bị này. Trước đây, trên mỗi tàu sân bay thường được lắp đặt 4 cáp hãm đà, nhưng do sản phẩm của Nga có độ tin cậy cao nên tàu sân bay đang đóng của Ấn Độ chỉ cần lắp có 3 cáp.

Một số chuyên gia cho rằng, Ukraina còn một số thiết bị hạ cánh cũ và có thể sẽ bán cho Trung Quốc. Song ngay cả khi Trung Quốc sở hữu thiết bị này thì chúng cũng chỉ là các mẫu tham khảo. Mục đích của Trung Quốc là muốn nghiên cứu một cách độc lập và có thể sử dụng lâu dài.
Thái Bình (theo Hoàn Cầu)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét